Nhà vườn 10.000 m2 dùng toàn nội thất tái chế

CÔNG TY TNHH  TƯ  VẤN - THIẾT  KẾ  - THI  CÔNG  NHÀ GỖ PHÚC AN

Hotline 24/7:

0909 767 761

46/22, khu phố Bình Quới A, phường Bình Chuẩn, Thuận An

Nhà vườn 10.000 m2 dùng toàn nội thất tái chếNhà vườn 10.000 m2 dùng toàn nội thất tái chế

Ngày đăng: 01/11/2023 11:15 AM

    Nhà vườn 10.000 m2 dùng toàn nội thất tái chế

    Đây là một quần thể nhà với 6 căn nhỏ diện tích khoảng 20 m2 và một căn lớn theo phong cách nhà sàn người Mường dành cho bạn bè, anh em, họ hàng đến chơi.

     

    Khu nhà mang tên Viet Retreat được xây năm 2021, trên mảnh đất của bố mẹ anh Trần Việt Anh, 29 tuổi, tại xóm Cời, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Tổng thể khu nhà giống như một ngôi làng thu nhỏ, phía trước là ruộng lúa, xung quanh có nhiều cổ thụ.

    Dự định ban đầu của gia đình là thiết kế một nhà vườn nghỉ dưỡng, thoát khỏi cuộc sống bí bách tại nội thành Hà Nội. Cả gia đình bốn người đều mong muốn có một không gian sống xanh và đậm chất nông thôn Bắc bộ xưa.

    Trước khi thiết kế lại, ngôi nhà chỉ có một nhà sàn cùng khu vệ sinh, bếp đơn sơ. Do không được chăm sóc thường xuyên nên cây cối xung quanh rậm rạp và ẩm thấp.

    Khi bắt tay cải tạo và xây mới, gia chủ yêu cầu kiến trúc sư nương theo thế đất và cây cối để xây dựng, không chặt phá, đốn hạ cây cối trong khu đất. Những cây to nằm ở vị trí xây dựng được thợ di chuyển sang vị trí khác.

    Mô hình của khu nhà là gồm các căn nhỏ trong khuôn viên rộng rãi lấy cảm hứng từ khi Việt Anh du học ở Phần Lan.

    Căn nhà nào cũng có thiết kế không gian mở, đầy đủ công năng hiện đại với phòng ngủ, khu vực uống trà, nhà vệ sinh riêng biệt. Nội thất bên trong hoàn toàn bằng gỗ tái chế từ đồ cũ, sưu tầm từ các căn nhà cổ ở miền Bắc.

    Bố mẹ Việt Anh mong muốn với cách thiết kế này, hai con trai mỗi khi từ Hà Nội về, vẫn có không gian sinh hoạt độc lập và thoải mái.

    Mỗi nhà được đặt tên theo tên cây ở cạnh nhà đó, ví dụ nhà tên Ngọc Lan vì bên cạnh có cây ngọc lan, nhà Mít nằm giữa hai cây mít, nhà Sấu đặt tên theo hai cây sấu 30 năm tuổi...

    Các căn đều có sự khác biệt về thiết kế và nội thất. Nhà Sấu và nhà Mơ được xây theo phong cách nhà sàn cách điệu, tầng trên làm chỗ ngủ, tầng dưới là nơi sinh hoạt chung. Trong 6 căn nhà nhỏ, căn Ngọc Lan rộng nhất vì có thêm phòng xông hơi.

    Nhà Ngọc Lan kết hợp nét đẹp xưa cũ nhưng vẫn đảm bảo tiện nghi hiện đại cho sinh hoạt. Trong nhà có nhiều đồ cổ trang trí, đậm nét văn hóa truyền thống. Toàn bộ đồ vật được gia chủ tự tay sưu tầm và bày biện.

    Chiếc chạn đựng bát đũa cũ được gia chủ tái sử dụng, sửa sang thành tủ quần áo, đặt cạnh giường ngủ. Các món đồ nội thất khác trong nhà cũng được tái chế từ các vật dụng khác nhau, như mâm gỗ cũ được tái chế thành gương nhà vệ sinh.

    "Gỗ cũ đã qua sử dụng có độ bền cao, kinh tế, lại tạo ra công trình nhuốm màu thời gian, mang hồn cốt truyền thống", Việt Anh lý giải. Trong nhà cũng bày biện nhiều đồ trang trí khác như cối đá trồng cây, con lăn lúa bằng đá làm hàng rào...

    Lối vào nhà Bưởi băng qua một cây cầu gỗ. Giống nhà Mít, nhà Xoài... mái nhà Bưởi được lợp ngói âm dương đặt mua từ Hà Giang. Mùa hè, nhiệt độ trong nhà thấp hơn ngoài trời khá nhiều.

    Ngoài các căn nhà, gia chủ còn bố trí một khu trưng bày nông cụ sản xuất sưu tầm, nhằm lưu giữ những kỷ niệm về một thời khó khăn. Nhà trưng bày này được xây dựng theo phong cách nhà gỗ của đồng bằng Bắc bộ.

    Những vật dụng như máy ép mía bằng gỗ, máy xay bột, cối xay lúa... gia chủ sưu tầm được đều gắn liền với nông thôn Việt Nam thời xưa.

    Loại gỗ được sử dụng nhiều nhất trong nhà là cọc tiêu được dùng trồng tiêu nhiều năm, trải qua thời gian và mối mọt chỉ còn phần lõi. Gia chủ sử dụng gỗ này cho nhiều mục đích, từ cột đèn, hàng rào, cầu gỗ cho tới nội thất trong nhà.

    Nhà có hai thế hệ cùng sinh sống nên có nhiều tiện ích đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho mỗi thành viên như bể bơi, bàn bi-a, ao thả cá. Bên cạnh đó khu nhà vẫn có không gian yên tĩnh, mát mẻ để người cao tuổi được thư giãn, nghỉ ngơi.

    Ngôi nhà xây dựng và hoàn thiện trong một năm với tổng chi phí là 8 tỷ đồng.

    (Nguồn: vnexpress)

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline